Hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018
Lượt xem:
Ngày 18/12, tại TP Yên Bái, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo tỉnh Yên Bái; lãnh đạo một số địa phương có hệ thống trường dân tộc nội trú và đại diện các trường dân tộc nội trú trong toàn quốc.
Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN). Trường PTDTNT có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở vùng DTTS, MN.
Định hướng phát triển về mô hình trường PTDTNT, Bộ trưởng chỉ rõ, ở cấp tỉnh tập trung nguồn lực cho một trường, ở cấp huyện có trường nội trú, bán trú, tránh tình trạng phân tán. Cần rà soát các tiêu chí để xây dựng mô hình phù hợp trên tinh thần duy trì, phát triển mô hình truyền thống và chọn lựa một số mô hình chất lượng cao phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình trường PTDTNT vùng; mở rộng mô hình giáo dục hòa nhập đối với giáo dục dân tộc ở những nơi phù hợp, kèm theo các mô hình này là các khung tiêu chuẩn định hướng phù hợp với từng vùng miền.
Về các điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng chỉ đạo, chương trình và kế hoạch giáo dục của hệ thống trường PTDTNT phải được xây dựng theo hướng tích hợp, kết hợp giữa dạy văn hóa, dạy kỹ năng, hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh DTTS. Cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt trong các trường PTDTNT phải đảm bảo cho học sinh yên tâm như sinh hoạt trong gia đình. Các điều kiện như nhà nội trú, bếp ăn nội trú, nhà vệ sinh cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt của học sinh.
Nhấn mạnh vai trò của giáo viên bản địa dạy trong các trường nội trú, Bộ trưởng lưu ý, cần có phương án tăng cường đưa các sinh viên là người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp các trường sư phạm về dạy ở các trường nội trú. Các thầy cô với lợi thế hiểu địa bàn, thông hiểu tiếng bản địa, hiểu tâm lý học sinh vùng dân tộc sẽ giúp nâng cao chất lượng ở các trường nội trú. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để tham mưu, xây dựng các chính sách ưu đãi cho những giáo sinh người dân tộc có nguyện vọng về dạy ở các trường PTDTNT.
Trước đề xuất của một số đại biểu tại hội nghị về việc tăng định mức giáo viên phù hợp với đặc thù của trường PTDTNT trong thời điểm đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế như hiện nay, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ để có đề xuất phù hợp. Các đề xuất về tăng định mức chi, chính sách tiền lương, phụ cấp cho giáo viên trường PTDTNT cũng sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp thu để nghiên cứu và tham mưu, đề xuất với Chính phủ trên tinh thần, đáp ứng yêu cầu đặc thù của mô hình trường chuyên biệt này.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mô hình truyền thống của trường PTDTNT đã và đang phát huy hiệu quả rất lớn, thực hiện được mục tiêu là nơi tạo nguồn đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiếu số. Chất lượng nhiều trường không thua kém các trường THPT chuyên, trường đại trà. Tuy nhiên trong 10 năm tới phải có thay đổi để khắc phục những tồn tại hiện có đáp ứng tình hình hiện nay đối với giáo dục dân tộc.
Định hướng mô hình trường PTDTNT trong 10 năm tới, Bộ GD&ĐT đưa ra 4 mô hình.
Thứ nhất, giữ nguyên mô hình trường PTDTNT như hiện nay đối với một số địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, địa hình núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt…
Thứ hai, xây dựng mô hình trường PTDTNT nhưng có một bộ phận là học sinh phổ thông. Thứ ba, Xây dựng mô hình HSNT học tại trường phổ thông có cùng cấp học. Học sinh dân tộc thiểu số (HSNT) cùng học chung với học sinh các dân tộc Kinh có cùng cấp học ở một trường phổ thông.
Cuối cùng, xây dựng mô hình trường PTDTNT trọng điểm theo 4 vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ.
Hệ thống các trường vùng sẽ có 02 hệ đào tạo: Nội trú và dự bị đại học để đảm bảo đối tượng học sinh thuộc diện tạo nguồn đào tạo cán bộ (HSDTRIN, HS các dân tộc có nguồn nhân lực thấp) sẽ được học liên tục từ PTDTNT đến dự bị đại học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://www.moet.gov.vn)