“Tiết học vùng biên” hun đúc tình yêu biên cương Tổ quốc
Lượt xem:
Với hình thức “Tiết học vùng biên”, thời gian gần đây, Đồn biên phòng Tuy Đức phối hợp với các trường học ở xã biên giới Đắk Búk So (Tuy Đức) tổ chức truyền đạt các kiến thức về biên giới, lãnh thổ quốc gia, góp phần hun đúc tình yêu biên cương Tổ quốc trong mỗi học sinh.
Học sinh được tham quan, nghe giới thiệu về cột mốc biên giới quốc gia
Các bạn có biết đây là gì không nào?”, “Dạ, là cột mốc biên giới ạ!”, “Đúng rồi! Đây là cột mốc chính số 55 trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý đó. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Campuchia là phía nước bạn rồi nhé. Các em chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới đó nghe”… Những kiến thức cơ bản nhưng rất gần gũi, thiết thực với cuộc sống hàng ngày của người dân khu vực biên giới được những “thầy giáo quân hàm xanh” truyền thụ đến học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn xã Đắk Búk So trong “Tiết học vùng biên”.
Trên tinh thần đó, bằng phương pháp truyền đạt thiết thực, dễ hiểu, các chiến sĩ biên phòng đã lựa chọn các nội dung sát với thực tế địa bàn và phù hợp với nhận thức của học sinh khu vực biên giới để truyền đạt cho các em. Ngoài học lý thuyết, các em còn được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, tìm hiểu thực địa một số biển báo trong khu vực biên giới, hệ thống cột mốc chính, mốc phụ do Đồn biên phòng Tuy Đức quản lý… Đồng thời, các em còn nghe kể về truyền thống của đơn vị và nhân dân địa phương trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Học sinh được đi tham quan thực tế cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng
Đại úy Nguyễn Văn Nga, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Tuy Đức chia sẻ: “Trước khi lên lớp, chúng tôi soạn giáo án rất kỹ và tập luyện nhiều lần. Kiến thức về pháp luật biên giới vốn dĩ khô khan, trong khi các em học sinh lại còn nhỏ tuổi. Vì vậy, phương châm “ngắn gọn, đủ nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ” đã được chúng tôi áp dụng triệt để. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng phần mềm trình chiếu, nên nội dung kiến thức được truyền tải sinh động, với nhiều hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng nhân dân đi tuần tra dọc biên giới, bảo vệ cột mốc biên giới và xử lý các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới…
Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn biên phòng Tuy Đức cho biết: “Xuất phát từ thực tế học sinh trên địa bàn còn thiếu những kiến thức cơ bản liên quan đến biên giới, đơn vị đã có sáng kiến phối hợp với các nhà trường xây dựng mô hình “Tiết học vùng biên”. Qua đó, các em hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cư dân vùng biên, các quy định của pháp luật khi ra vào khu vực biên giới”.
Theo thầy Nguyễn Văn Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú – THCS – THPT Tuy Đức, việc đưa “Tiết học vùng biên” vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, các em học sinh được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ngay cả với giáo viên đã nắm được kiến thức, hiểu sâu về lĩnh vực biên giới cũng rất bổ ích. Khi về nhà, các em còn là tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền trực tiếp đến gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư tại thôn, bon. Từ đó, người dân có sự tự giác hơn trong việc chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên cương của Tổ quốc.
“Tiết học vùng biên” mang lại nhiều điều thú vị, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới trong học sinh
Em Điểu Phước, lớp 10, Trường Dân tộc nội trú-THCS-THPT Tuy Đức, nhà ở xã biên giới Quảng Trực (Tuy Đức) bày tỏ: “Qua “Tiết học vùng biên”, chúng em hiểu thêm về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, nhất là ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia”.
Em Thị Thu, lớp 9A, cũng tâm sự: “Mỗi lần đi học về, nhìn cột mốc biên giới, chúng em cảm nhận được Tổ quốc thiêng liêng, hiểu hơn những hy sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc”.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Thắng, để “Tiết học vùng biên” đạt hiệu quả cao hơn, đơn vị đang tập trung xây dựng giáo án chia theo từng khối lớp cụ thể, tăng cường tổ chức cho học sinh, giáo viên tham quan thực tế, tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng. Thông qua tiết học, các em nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội cũng như góp phần tuyên truyền cho người thân, bà con về nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia.
theo báo Đăk Nông (http://baodaknong.org.vn)